1. Tìm hiểu về bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là căn bệnh phổ biến ở Việt Nam do khí hậu nhiệt đới gió mùa nên dịch sốt xuất huyết dễ dàng lây lan ra cộng đồng, nhất là các tỉnh phía Nam và miền trung với đặc thù nóng ẩm quanh năm.
Bệnh sốt xuất huyết hay chính xác hơn là sốt xuất huyết do virus là một nhóm các bệnh do một số họ virus sau: Arenavirus, Filoviridae, Bunyaviridae và Flavivirus. Một số loại virus có thể gây bệnh nhẹ như sốt Nephropathia Scandinavia sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, trong khi đó một số loại khác có thể gây bệnh tương đối nặng chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột, thậm chí tử vong, chẳng hạn như sốt Lasa, virus Marburg.
Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh sốt xuất huyết đôi khi có thể gây đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp.
Hiện nay, căn bệnh này vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa hiệu quả. Cũng chưa có bất kỳ một loại thuốc hay phương pháp điều trị đặc hiệu nào với bệnh này, việc điều trị chủ yếu bao gồm những hoạt động theo dõi và chăm sóc cũng như hỗ trợ các chức năng cần thiết cho cơ thể.
2. Triệu chứng sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết do muỗi vằn lây truyền thường khởi phát một cách đột ngột và tiến triển rất nhanh qua 3 giai đoạn
Giai đoạn 1: Triệu chứng sốt xuất huyết nhẹ
Ở giai đoạn này người bệnh bị sốt cao đột ngột, nhiệt độ cơ thể có thể lên đến 39 – 40 độ C, nhức đầu nghiêm trọng, đau phía sau mắt, đau khớp và cơ, buồn nôn và ói mửa, phát ban trong 3, 4 ngày đầu. Các triệu chứng bệnh sốt xuất huyết thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường.
Giai đoạn 2: Triệu chứng sốt xuất huyết có chảy máu
Giai đoạn này là giai đoạn rất nguy hiểm. Các dấu hiệu sốt xuất huyết ở giai đoạn này có biểu hiện: Người bệnh đã hạ sốt nhưng lại xuất hiện tổn thương mạch máu và mạch bạch tuyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Những biến chứng nặng hơn người bệnh có thể bị chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết não. Người bệnh cần được theo dõi sát sao và xét nghiệm tiểu cầu thường xuyên. Giai đoạn này nếu quá nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.
Ở giai đoạn 2 người bệnh cũng có thể xuất hiện triệu chứng sốt xuất huyết dengue ( hội chứng sốc dengue).
Triệu chứng này là dạng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết bao gồm: Tất cả các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết nhẹ cộng với các triệu chứng chảy máu kèm theo huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong ngoài cơ thể, sốc (huyết áp thấp). Loại này thường xảy ra trong lần nhiễm trùng sau, khi bạn đã có miễn dịch chủ động (do đã từng mắc bệnh) hoặc thụ động (do mẹ truyền sang) đối với một loại kháng nguyên virus. Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2 đến 5 ngày (giai đoạn hạ sốt).
Dạng này của bệnh thường xảy ra ở trẻ em (đôi khi xuất hiện cả ở người lớn). Triệu chứng này có thể gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Giai đoạn 3: Giai đoạn phục hồi
Sau giai đoạn nguy hiểm thì người bệnh sẽ được bước vào giai đoạn phục hồi. Giai đoạn này thể trạng người bệnh đã tốt dần lên và người bệnh đã hết sốt. Các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường, huyết động bắt đầu ổn định.
Trong quá trình diễn biến của sốt xuất huyết, bệnh có thể diễn biến bất thường, do đó cần phải đến các cơ sở y tế để thăm khám, theo dõi và điều trị kịp thời.
3. Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, đối tượng dễ mắc bệnh?
Muỗi truyền bệnh thường có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt nhiều nhất vào sáng sớm và chiều tối.
Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.
Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây… các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa… Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20º C.
Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, cao điểm vào khoảng tháng 6 – 10 âm lịch và giảm dần vào các tháng cuối năm.
Bệnh này thường xảy ra ở trẻ em tuổi từ 2 – 9 tuổi, càng lớn càng ít bị.
Bệnh thường gặp ở những nơi đông dân cư, vệ sinh môi trường kém.
4. Cách xử lý và phòng bệnh sốt xuất huyết
Cần làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết
Đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để khám, điều trị. Nếu bị nhẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách:
- Nằm nghỉ ngơi, cho ăn nhẹ: cháo, súp, sữa.
- Dùng thuốc hạ sốt (uống paracetamol hoặc đặt viên hạ sốt vào hậu môn, không dùng aspirin để hạ sốt), chườm mát.
- Theo dõi liên tục, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều) cần đưa ngay đến bệnh viện.
- Cho uống nhiều nước, có thể cho uống dung dịch điện giải Oresol, nước trái cây càng tốt.
Phòng bệnh sốt xuất huyết
Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi và diệt lăng quăng, bọ gậy
- Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy (lăng quăng) và phòng chống muỗi đốt.
- Diệt bọ gậy, lăng quăng bằng cách thả cá vào tất cả các vật chứa nước trong nhà (bể, giếng, chum, vại, lu, khạp…).
- Thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa…, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến, dọn vệ sinh môi trường,
- Thay nước, thau rửa chum, vại, lu, khạp hàng tuần.
- Bỏ muối vào bát kê chân chạn (tủ đựng chén bát), cho cát ẩm vào lọ hoa (bình bông).
- Khi xảy ra dịch cần tăng cường các biện pháp chống dịch, làm giảm nhanh mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi vào không gian.
Phòng chống muỗi đốt
- Mặc quần áo dài tay và bôi thuốc chống muỗi bảo vệ bản thân khi đi ra ngoài.
- Ngủ trong màn, mùng kể cả ban ngày, dùng rèm che hoặc màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
- Sử dụng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…
- Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Bài viết trên đã chia sẻ đầy đủ, chi tiết về các triệu chứng sốt xuất huyết. Hy vọng thông tin này hữu ích với bạn và những người thân xung quanh bạn.
Cảm ơn bạn đã theo dõi và đón đọc!
https://credit-n.ru/kredit/kredit-interprombank.html