Cục NG&CBQLGD giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Hải Thập và ThS. Nguyễn Ánh đưa ra một số giải pháp cơ bản nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên các trường sư phạm. Theo các tác giả, để thực hiện được những giải pháp này cần có sự chỉ đạo nhất quán từ các cơ quan quản lý giáo dục, sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các trường sư phạm, sự tham gia của toàn xã hội và đặc biệt là sự cố gắng của toàn thể đội ngũ giáo viên các trường sư phạm.
Thực trạng đội ngũ giảng viên các trường sư phạm
Đội ngũ giảng viên (GV) của các trường sư phạm hầu hết có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, cơ bản đủ về số lượng và cơ cấu, có năng lực chuyên môn, nghề nghiệp vững vàng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đào tạo giáo viên, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình mới, đội ngũ GV còn bộc lộ một số bất cập hạn chế. Số lượng, chất lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp; Một bộ phận không nhỏ GV, trong đó có không ít người đã đạt trình độ tiến sĩ tại một số trường sư phạm còn thiếu năng lực cần thiết để triển khai các hoạt động. Không ít giáo viên còn hạn chế về năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên còn thấp. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách phát triển đội ngũ GV chưa đồng bộ và còn bất cập; chính sách đãi ngộ, tôn vinh đối với giảng viên còn chưa tương xứng với vị thể nhà giáo, chưa tạo ra động lực để đội ngũ giảng viên phấn đấu tự học, tự rèn luyện để nâng cao năng lực. Những bất cập cơ chế chính sách đối với đội ngũ GV của các trường sư phạm gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo giáo viên.
Trước yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và hội nhập quốc tế hiện nay, đội ngũ giảng viên các trường sư phạm cần được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nhằm đáp ứng được công tác đào tạo giáo viên.
Giải pháp cơ bản để nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên sư phạm
Để nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên cần thực hiện nhiều giải pháp mang tính đồng bộ. Sau đây là những giải pháp cơ bản:
– Đào tạo nâng cao trình độ cho giảng viên các trường sư phạm: Chọn, cử giảng viên đủ tiêu chuẩn để đào tạo trình độ tiến sĩ, ưu tiên gửi giảng viên đi đào tạo ở các nước tiên tiến trên thế giới. Trong công tác tuyển sinh, các trường sư phạm cần được tự chủ, chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo trong toàn bộ quá trình tuyển sinh. Kinh phí cho việc đạo tạo tại nước ngoài sẽ được thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ giữa ngân sách nhà nước cấp, chi phí do trường sư phạm chi cho người học và chi phí khác do người học tự túc. Mặt khác, cần chọn lọc, đào tạo những sinh viên sư phạm giỏi, yêu nghề để tạo nguồn nhân lực GV cho các trường sư phạm.
Các giảng viên sau khi được đạo tạo trở về nước cần phát huy trình độ chuyên môn cao, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo chung của nhà trường, là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác với trường nước ngoài trong mọi hoạt động chuyên môn của nhà trường (trong hoạt động trao đổi và đào tạo giảng viên, trao đổi sinh viên; tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, phương pháp đào tạo, phương pháp quản lý vận hành mới; hợp tác nghiên cứu khoa học và công bố công trình nghiên cứu; tổ chức hội nghị hội thảo khoa học quốc tế; giao lưu trong nước ngoài nước, tham gia hội nghị hội thảo khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước); tạo nên môi trường học thuật năng động, mới mẻ trong nhà trường; thúc đẩy sự đổi mới và phát triển trường đại học trong nước.
– Thu hút người có trình độ tiến sĩ và các nhà khoa học đến công tác đến làm việc tại các trường sư phạm. Các trường sư phạm cần tự chủ trong việc xây dựng đề án, đề ra các giải pháp cụ thể nhằm thu hút cá nhân có trình độ tiến sĩ đang công tác ở các trường đại học nước ngoài hoặc đang làm việc ngoài các trường sư phạm đến làm việc tại đơn vị mình. Cần có sự ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi đối với các tiến sĩ đang công tác tại cơ sở về nhiều mặt như: Tăng thu nhập, ưu tiên về đề tại dự án, tạo điều kiện thuận cho các nhóm nghiên cứu tiến hành nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho các tiến sĩ tham gia các hội thảo/hội nghị quốc tế, có thời nghiên cứu ở nước ngoài; có sự cân nhắc ưu tiên trong việc bổ nhiệm các chức danh nhà giáo (giáo sư, phó giáo sư…), vinh danh những cống hiến của các tiến sĩ.
– Tăng cường bồi dưỡng các năng lực còn hạn chế cho đội ngũ giảng viên: Xây dựng đội ngũ giảng viên cốt cán, chuyên gia đầu ngành để làm nòng cốt cho công tác bồi dưỡng thường xuyên tại chỗ cho giảng viên. Các trường sư phạm cần tiến hành nghiên cứu, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền ban hành khung năng lực giảng viên sư phạm làm cơ sở để đánh giá đội ngũ, xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên. Trên cơ sở đó, các trường sư phạm cần tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên, trong đó chú trọng bồi dưỡng về năng lực phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp hiện đại, nghiên cứu khoa học và năng lực ngoại ngữ, công nghệ thông tin.
– Tăng cường bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên: Trước hết cần phải tạo môi trường nghiên cứu để mỗi giảng viên, cán bộ quản lí có thể tự phát huy năng lực nghiên cứu của mình. Tạo ra nhiều diễn đàn cho giảng viên và cán bộ quản lí tham gia như tổ chức các nhóm nghiên cứu, tổ chức các buổi hội thảo khoa học,… để giảng viên và cán bộ quản lí có cơ hội thể hiện. Tạo cơ chế, khuyến khích giảng viên đưa ra hướng nghiên cứu riêng cho mình. Gắn nghiên cứu với giảng dạy, phối hợp nghiên cứu với đồng nghiệp trong và ngoài nước, giúp đỡ sinh viên, tạo cơ hội cho họ tham gia nghiên cứu. Sử dụng các kết quả nghiên cứu để đánh giá năng lực giảng viên.
Cần gắn kết hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên với thực tế ở các trường phổ thông; triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục tại các nhà trường; tham gia các hoạt động chuyên môn ở phổ thông (hướng dẫn sinh viên thực tập sư phạm, tham gia phát triển chương trình, biên soạn sách giáo khoa, các chuyên đề…), theo kế hoạch và yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo và theo hợp đồng với các địa phương.
– Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các chế độ chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng GV; thực hiện việc thu hồi kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định và cam kết đối với các đối tượng vi phạm các quy định của pháp luật. Cần tăng mức đầu tư, hỗ trợ cho các đối tượng học nghiên cứu sinh, có giải pháp và hỗ trợ họ đối với việc nâng cao năng lực ngoại ngữ, đăng bài báo quốc tế và các kinh phí cần thiết, đáp ứng yêu cầu học tập nghiên cứu để trở thành tiến sĩ. Ban hành mới các chính sách đãi ngộ, ưu tiên, tạo điều kiện về vật chất và tinh thần, điều kiện làm việc, bổ nhiệm chức danh nhà giáo, vinh danh các đóng góp, để các tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc ngoài các trường sư phạm đến làm việc tại các trường sư phạm tại Việt Nam.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/01/2019 phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2030. Đề án này tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để các trường sư phạm đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực đội ngũ GV.