Ngày 11/4/2019, tại Trường Đại học Hải Phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức “Hội thảo rà soát, hoàn thiện góp ý dự thảo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên”. Hội thảo là một trong những hoạt động triển khai Chương trình công tác năm 2019 của Bộ GDĐT thực hiện nhiệm vụ “Rà soát, nghiên cứu hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo quy định mới” đối với nội dung liên quan đến giảng viên.
Tới dự phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội thảo có TS. Nguyễn Hải Thập -– Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT, đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT và trên 150 đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm khu vực phía Bắc.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hiên – Hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng phát biểu
Được biết, Luật Viên chức được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 15/11/2010 tạo cơ sở pháp lý để xây dựng và quản lý đội ngũ viên chức. Triển khai thực hiện Luật Viên chức năm 2010, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2014 Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) viên chức giảng dạy trong các cơ sở GDĐH công lập; Thông tư liên tịch số 28/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 06/11/2015 Hướng dẫn thực hiện bổ nhiệm và xếp lương CDNN đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập. Các quy định về tiêu chuẩn CDNN, bổ nhiệm, xếp lương và thăng hạng CDNN giảng viên có ý nghĩa, vai trò quan trọng nhằm kịp thời thực hiện chế độ chính sách, đồng thời nâng cao chất lượng và thu hút đội ngũ có trình độ cao tham gia giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), phát huy được tính năng động sáng tạo của viên chức.
Tuy nhiên, do sự phát triển kinh tế – xã hội, sự tiến bộ của khoa học công nghệ, đến nay các văn bản trên đã bộc lộ những hạn chế so với sự phát triển của xã hội và tiến bộ của khoa học công nghệ.
Để rà soát đối với hệ thống các văn bản liên quan đến tiêu chuẩn CDNN giảng viên, trên cơ sở đó đề xuất tiêu chuẩn CDNN giảng viên đáp ứng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) mới ban hành.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, TS. Nguyễn Hải Thập nhấn mạnh, để việc ban hành văn bản QPPL đảm bảo chất lượng và phù hợp với thực tiễn thì việc tham gia ý kiến của các cơ sở GDĐH là rất cần thiết để các văn bản khi ban hành đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về những vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn CDNN còn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở. Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra những ý kiến đóng góp quý báu để có thể thực hiện tốt trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.
Hội thảo cũng cho ý kiến về báo cáo rà soát, đánh giá tình hình thực hiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên; đề xuất nội dung dự thảo tiêu chuẩn CDNN giảng viên theo quy định mới; thảo luận góp ý dự thảo các văn bản quy định mã số, tiêu chuẩn CDNN và xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm công lập.
https://credit-n.ru/offer/kredit-nalichnymi-sovcombank.html