Hiện nay số lượng những người đột quỵ đang dần tăng cao, chính vì thế việc trang bị cho mình những kiến thức về căn bệnh này là một điều cực kỳ cần thiết.
BỆNH ĐỘT QUỴ LÀ GÌ?
Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não xảy ra do máu không tuần hoàn đầy đủ đến não gây thiếu máu não khiến chức năng não bị đình trệ. Lâu dần, tình hình trở nên nghiêm trọng thì tăng huyết áp kịch phát và gây vỡ mạch máu não. Hoặc có khi do các cục máu đông, cục xơ vữa động mạch làm tắc nghẽn mạch máu não gây thiếu máu não và nhồi máu não, có thể dẫn đến đột quỵ bất ngờ.
Đột quỵ làm cho phần não bị thiếu oxy, tế bào não bị chết chỉ sau vài phút. Sau khi đột quỵ xảy ra, mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não bị chết và làm người bệnh già hơn khoảng 3 tuần tuổi. Chính vì vậy, “thời gian chính là Não”. Người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt và biện pháp điều trị duy nhất đó chính là “Tái tưới máu cho não” càng nhanh càng tốt.
Người bệnh bị đột quỵ não có thể bị liệt, hôn mê và thậm chí tử vong. Tại Việt Nam, đột quỵ không những là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà còn gây tàn phế cho người bệnh, là gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội. Theo số liệu của Hội Đột quỵ Thế giới, cứ 6 người sẽ có 1 người bị đột quỵ. Ở Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ, tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở nam giới là 18% và ở nữ giới là 23%
NGUYÊN NHÂN GÂY RA ĐỘT QUỴ LÀ GÌ?
Những thói quen xấu của bạn chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh đột quỵ ngày càng gia tăng về số lượng ở những người trẻ tuổi.
- Căng thẳng thần kinh, làm việc quá sức
Làm việc quá sức khiến cơ thể căng thẳng, huyết áp tăng, cơ tim co bóp mạnh. Từ đó dòng máu chảy về não tăng đột ngột có thể dẫn đến xuất huyết não. Đó chính là lý do các bác sĩ khuyên chúng ta nên thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý để tránh áp lực lên não và gây bệnh lúc nào không hay.
- Thừa cân, béo phì
Cân nặng tăng cao không kiểm soát được có thể dẫn đến tình trạng máu nhiễm mỡ và gây xơ vữa ,động mạch. Đây là một nguyên nhân lớn dẫn đến đột quỵ. Nếu không muốn đối mặt với căn bệnh đe dọa tính mạng này thì nên giữ cân nặng ở mức phù hợp và ổn định là rất quan trọng.
- Lười vận động
Vận động, tập thể dục có tác dụng rất lớn trong việc giải độc cơ thể, đánh tan mỡ thừa, giảm cân, ổn định cân nặng nên cũng hiệu quả trong việc giảm nguy cơ đột quỵ.
- Thức khuya
Nếu bạn thức khuya thường xuyên và ngủ không đủ giấc sẽ khiến não không được phục hồi đầy đủ, máu về não cũng ít hơn, lâu dần gây thiếu máu não và nguy cơ đột quỵ cũng tăng cao. Vì thế, ngủ sớm và ngủ đủ giấc là phương pháp ngăn ngừa tai biến mạch máu não hiệu quả. Có thể nói ngủ là thời gian chức năng não được phục hồi tối ưu.
- Sử dụng rượu, bia và các chất kích thích
Rượu, bia và các chất kích thích chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra lúc uống rượu, bia bạn sẽ dùng đến các thức ăn nhiều dầu mỡ và không tốt cho sức khỏe. Vì thế một trong cách ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ hiệu quả là hạn chế uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích như cà phê càng ít càng tốt nhé bạn.
BIỂU HIỆN CỦA BỆNH ĐỘT QUỴ LÀ GÌ?
Việc nhận biết các dấu hiệu tai biến để kịp thời xử lý là rất quan trọng. Sau đây là những biểu hiện sớm của cơn tai biến mà bạn cần biết
- Một bên cơ thể của bạn có cảm giác yếu đi hoặc tê liệt
Là do mỗi bán cầu não điều khiển một nửa cơ thể ở phía đối diện nên chỉ một bên cơ thể bạn có cảm giác yếu đi. Đặc biệt dấu hiệu này có thể nhận thấy rõ ràng nhất ở cơ tay và cơ chân của bạn. Nếu sự xuất hiện não xảy ra ở bán cầu phải thì phần cơ thể bên trái của bạn sẽ có biểu hiện và ngược lại.
- Bạn thấy bản gặp khó khăn khi đọc hoặc nói
Bán cầu não trái của chúng ta có trách nhiệm xử lý ngôn ngữ, nên khi tai biến xảy ra ở vùng này chúng ta sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng đọc. điều này chính làm ảnh hưởng đến khả năng nói của bạn. không xử lý được thông tin khi nghe người khác nói hoặc không thể đọc hay viết chữ được.
- Đau đầu dữ dội
Khi cơn đau đầu xuất hiện, tình trạng xuất huyết đã đến mức độ nguy cấp và bạn cần được cấp cứu ngay lập tức. Đi kèm với đau đầu, người bị đột quỵ có thể còn có các triệu chứng như đau thắt ngực, tim đập nhanh và cảm giác rất khó chịu.
Bạn cũng có thể phân biệt đau đầu do tai biến mạch máu não với các cơn đau đầu do nguyên nhân khác bằng cách quan sát biểu hiện ở mắt và cử động cơ thể. Khi bị đột quỵ, bệnh nhân có thể mất thị lực tạm thời. Thông thường, mắt bạn sẽ không mất thị lực hoàn toàn mà mất thị lực một phần ở cả hai mắt, ví dụ như cả hai bên mắt đều không thể nhìn về phía bên trái. Lúc này, vấn đề không nằm ở mắt hay các dây thần kinh mà là do các vùng xử lí thông tin về hình ảnh ở não đang bị tổn thương và mất chức năng tạm thời. Đối với cử động của cơ thể, đi kèm với cơn đau đầu và choáng váng, bạn có thể cảm thấy mất khả năng cử động phối hợp các bộ phận, không thể đứng hoặc đi lại vững vàng.
- Huyết áp đột ngột tăng cao
Đây là một trong những nguyên nhân chính gây trụy tim. Huyết áp cao kéo dài gây hại cho động mạch, khiến mảng bám tích tụ ở thành động mạch. Mọi người thường chỉ nhận ra huyết áp cao khi chỉ số đã cao quá mức, nên người có nguy cơ nên kiểm tra huyết áp thường xuyên.
- Khó chịu ở ngực, khó thở
Đau ngực chính là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh tim, đây là triệu chứng kinh điển của nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên không phải tất cả trường hợp nhồi máu cơ tim đều gây ra đau ngực, và ngược lại đau ngực có thể do nguyên nhân từ bệnh ngoài tim, như bệnh của phổi, thành ngực, tiêu hóa…
Đau ngực do tim thường có đặc điểm: đau thường ở giữa ngực, sau xương ức, có thể hơi lệch sang trái một ít. Nhiều khi chỉ là cảm giác nặng ở ngực giống “voi đè”, cảm giác ép khó chịu, thắt chặt hoặc đầy ở ngực.
- Choáng váng, mệt mỏi mà không có lý do
Trong một nghiên cứu cho thấy việc cơ thể mệt mỏi và cảm thấy choáng váng là một trong những dấu hiệu phổ biến của các bệnh nhân bị đột quỵ. Tình trạng trên có thể là kết quả của một bên của não bị tổn thương.
NHỮNG CÁCH PHÒNG NGỪA BỆNH ĐỘT QUỴ
- Thay đổi chế độ ăn lành mạnh
Hàng ngày, cần bổ sung đủ 3 yếu tố: Chất béo, tinh bột, các vitamin cũng như cần bổ sung đủ nước cho cơ thể. Tránh thức ăn chiên xào, hạn chế mỡ, nhất là mỡ động vật. Tốt nhất là sử dụng thực phẩm hấp, luộc. Nên ăn nhiều rau quả xanh để cung cấp chất xơ cho cơ thể, dùng dầu thực vật thay mỡ… và các sản phẩm từ ngũ cốc, trái cây, sản phẩm từ sữa… Tránh các chất kích thích như trà, cà phê, thuốc lá… Hạn chế ăn muối, các thực phẩm giàu natri.
Các loại gia vị như: ớt, tỏi, hành tây, gừng, hạt tiêu là những loại gia vị được khuyến khích sử dụng giúp phòng đột quỵ.
Bạn cũng nên tăng cường cá trong các bữa ăn, bởi cá là thực phẩm tuyệt vời nhất là với những người bị bệnh tim mạch. Chất béo omega 3 từ cá đặc biệt là cá ngừ, cá thu, cá hồi giúp cải thiện lưu lượng máu trong cơ thể, làm thành mạch máu vững chắc.
- Cố gắng giữ huyết áp ở mức lý tưởng nhất
Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân gây ra các cơn đột quỵ. Để duy trì huyết áp ở mức lý tưởng dưới 135/85 mmHg, bạn cần giảm muối trong chế độ ăn uống, không quá 1,5 g mỗi ngày (khoảng 1/2 thìa cà phê), tránh các loại thực phẩm giàu cholesterol như bánh mì kẹp thịt, phô mai và kem; nên ăn 4-5 phần rau và trái cây mỗi ngày, 2-3 phần cá mỗi tuần.
Bên cạnh đó, bạn cần tiêu thụ thêm ngũ cốc nguyên hạt và sữa ít chất béo. Người bệnh có thể dùng thêm thuốc ổn định huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Tập thể dục nhiều hơn
Người bệnh có thể tập thể dục ở cường độ vừa phải như đi dạo sau bữa tối, tham gia một câu lạc bộ thể dục với bạn bè, đi thang bộ thay vì thang máy ít nhất 5 ngày/tuần. Nếu không thể tập liên tục 30 phút, bạn có thể chia nhỏ thành 10-15 phút/lần và 2-3 lần/ngày.
- Kiểm soát bệnh đái tháo đường
Việc kiểm soát chỉ số đường huyết theo hướng dẫn của bác sĩ là điều cần thiết. Ngoài ra, bạn nên áp dụng chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục và dùng thuốc điều trị để giữ đường huyết luôn ở mức ổn định.
- Giảm cân
Hạn chế sử dụng mỡ động vật, tăng cường bổ sung rau để cân bằng lượng mỡ dư thừa trong cơ thể tránh việc mỡ dư thừa bám lên thành mạch máu gây tắc mạch máu.
CÁCH SƠ CỨU NGƯỜI BỊ ĐỘT QUỴ
Đột quỵ có thể gây mất thăng bằng hoặc bất tỉnh, dẫn đến té ngã. Nếu nghi ngờ một người bị đột quỵ, trong lúc chờ đợi xe cứu thương đến, bạn nên thực hiện những bước sau để sơ cứu đột quỵ:
- Đặt người bị đột quỵ ở vị trí an toàn, thoải mái, nằm nghiêng một bên, đầu hơi nâng cao và hỗ trợ khi họ nôn.
- Kiểm tra xem họ có đang thở không. Nếu không, bạn hãy thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) cho bệnh nhân. Nếu họ khó thở, hãy nới lỏng quần áo như cà vạt hay khăn quàng cổ.
- Nói chuyện một cách bình tĩnh để bệnh nhân an tâm.
- Đắp chăn lại để giữ ấm.
- Không cho họ ăn hay uống bất cứ món gì.
- Nếu người bệnh có biểu hiện yếu chi, bạn không được di chuyển họ.
- Quan sát cẩn thận với bất cứ sự thay đổi nào của bệnh nhân. Hãy nói lại những triệu chứng đột quỵ của người bệnh cho nhân viên y tế, ví dụ như bị ngã hoặc đánh vào đầu.
Trường Cao Đẳng Bách Khoa Tây Nguyên đã gửi tới bạn thông tin đầy đủ chi tiết về căn bệnh Đột Quỵ khi xảy ra ở người trẻ tuổi. Hy vọng sau khi theo dõi bạn và những người thân của bạn có thể có những kế hoạch phòng ngừa và tránh được căn bệnh vô cùng nguy hiểm và quái ác này.
https://credit-n.ru/offers-zaim/fastmoney/index.html